TP - Đó là thông điệp được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra trong những lần gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Ông bày tỏ mong muốn mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp hãy là một chiến sĩ tinh nhuệ, quả cảm, bản lĩnh trên mặt trận kinh tế. Chính phủ sẽ luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ, tiếp thu tối đa các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.
Lắng nghe và tạo đột phá
Cũng vào thời điểm này năm ngoái, mặc dù còn không ít những lo lắng, băn khoăn, song với tinh thần khoa học, dám nghĩ, dám làm, ngày 11/10/2021, Chính phủ đã quyết định ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Có thể nói, Nghị quyết 128 đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy phòng, chống dịch, tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp, người dân trong khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhớ lại sự kiện này, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI kể, tháng 8/2021, tại hội nghị với các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa khẩu quyết là: Vắc xin, thích ứng an toàn, linh hoạt và coi doanh nghiệp là chủ thể trong dịch COVID-19. “Chính phủ đã thực hiện rất thành công khẩu quyết này, chúng ta đã vượt qua đại dịch, doanh nghiệp đã hồi sinh, nền kinh tế cũng đã phục hồi”, ông Công nhận xét. Còn đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM) khẳng định, việc ban hành Nghị quyết 128 là một quyết định sáng suốt của Chính phủ; nếu tiếp tục theo đuổi chính sách Zero COVID thì nền kinh tế Việt Nam sẽ không có thành quả như hiện nay. Về điều hành kinh tế, trong bối cảnh tình hình thế giới có những biến động phức tạp, nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine, khiến giá dầu mỏ, khí đốt tăng cao, gây áp lực lớn về lạm phát, Chính phủ đã ban hành nhiều các quyết sách quan trọng. “Năm 2008, khi giá dầu lên 140 USD/thùng, lạm phát của Việt Nam khi đó đã tăng lên tới 23%. Nhưng lần này, khi giá dầu bị đẩy lên ở mức 120- 140 USD/thùng, Chính phủ vẫn kiểm soát được lạm phát ở mức thấp. Nguyên nhân là Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính đã điều hành linh hoạt, kịp thời giảm các loại thuế phí liên quan xăng, dầu”, ông Ngân phân tích.
Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, sau những “biến động”, việc Chính phủ, Thủ tướng truyền đi thông điệp: Không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế đã giúp các doanh nghiệp an tâm. Thủ tướng cũng đã truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp với thông điệp: Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, để bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, không hy sinh tiến bộ công bằng, xã hội để chạy theo lợi ích. “Đó là liều thuốc tinh thần đối với doanh nghiệp, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp bất động sản. Nhờ đó, thị trường bất động sản đã từng bước phục hồi trở lại”, ông Châu chia sẻ.
Xây dựng đội ngũ doanh nhân có bản sắc Việt
Vì một cộng đồng doanh nghiệp chủ động thích ứng, phát triển bền vững góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, nhân dân ấm no và hạnh phúc, trong hội nghị mới đây với các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ, tiếp thu tối đa các ý kiến của tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, của doanh nghiệp. Ông đồng thời cũng bày tỏ mong muốn mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp hãy là một chiến sĩ tinh nhuệ, quả cảm, bản lĩnh trên mặt trận kinh tế, nỗ lực cùng Chính phủ sớm giành được chiến thắng trong cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển bền vững. Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác xây dựng chiến lược ngành, quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tạo thuận lợi và niềm tin cho doanh nghiệp xây dựng định hướng đầu tư sản xuất kinh doanh dài hạn và bền vững.
Thủ tướng đề nghị các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn hiện nay, thích ứng với giai đoạn mới. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo để tìm ra cơ hội trong thách thức, xoay chuyển và thích ứng; nâng cao năng suất, năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quản lý và quản trị doanh nghiệp; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Văn Kiên