Xây dựng liêm chính: Nhà nước và DN đồng hành
Đại diện cộng đồng DN, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra mục tieu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Để gia nhập và sánh vai nhóm các quốc gia phát triển, chúng ta cần có cả 2 điều: Kinh tế phát triển và văn minh xã hội tương xứng, trong đó có văn minh, văn hoá kinh doanh. Giới doanh nhân Việt Nam có sứ mệnh và trách nhiệm gánh vác một phần quan trọng của 2 nhiệm vụ này. VCCI nhận thấy đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội lịch sử cho sự phát triển của doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới.
Bên cạnh yêu cầu phát triển của đất nước, đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh còn có ý nghĩa trực tiếp đối với từng doanh nhân, DN. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các DN phải phát huy mọi nguồn lực để tồn tại và cạnh tranh thành công.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định: VCCI xác định xây dựng và thực hành các chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh tiến bộ vừa có ý nghĩa quốc gia, vừa có ý nghĩa với DN, đồng thời đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài trong xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân, DN Việt Nam trong bối cảnh mới.
Thực tế trong những năm qua, thực hiện các quan điểm, chủ trương và định hướng của Đảng và Nhà nước, VCCI đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực góp phần xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam.
"Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII tháng 12/2021 với tầm nhìn xây dựng "DN vững mạnh - Quốc gia thịnh vượng", đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, trong đó tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, hình thành và thúc đẩy thực hiện các chuẩn mực chung về đạo đức doanh nhân được xác định vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là đột phá chiến lược trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, DN", ông Phạm Tấn Công nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ, những tiêu chí nền tảng đạo đức xã hội là yêu cầu tất yếu, tiêu chí về liêm chính phải bắt đầu từ những công chức, tránh việc ‘đòi hỏi’ để người kinh doanh phải ‘trả giá’ cho quyền kinh doanh. Muốn có liêm chính cho DN thì liêm chính trong bộ máy nhà nước phải được đề cao.
Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh, để DN phát triển cần tạo khuôn khổ để DN có thể làm được tốt.
"Hiện có nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn được ra đời trong bối cảnh mới khiến DN dù muốn hay không phải áp dụng như các tiêu chuẩn nguyên liệu, lao động, môi trường… và DN phải có nỗ lực rất lớn", bà Phạm Chi Lan nói.
Dưới góc độ DN, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ: Với cách làm của Lộc Trời, DN xây dựng niềm tin và chữ tín. Không có niềm tin, không có chữ tín thì không thể làm DN, không thể làm thương hiệu.
‘Trong bối cảnh xây dựng kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong chữ tín đó, Lộc Trời có quan điểm là phân phối lại lợi nhuận sao cho hợp lý và đúng đạo lý", ông Huỳnh Văn Thòn bày tỏ.
Bà Thái Hương, Chủ tịch hội đồng chiến lược Tập đoàn TH cho biết, vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh là phát triển bền vững với các trụ cột của văn hóa kinh doanh, coi đó là sức mạnh, là nền tảng cho sự thành bại của DN.
‘Khi dẫn dắt tập đoàn TH, việc đầu tiên của tôi là tạo ra một thương hiệu có giá trị và dựa trên giá trị cốt lõi của thương hiệu với tính nhân văn bao trùm. Phát triển bền vững vẫn là điểm mấu chốt trong hành trình xây dựng thương hiệu với chiến lược sản phẩm dựa trên giá trị cốt lõi. Chúng tôi có định hướng phát triển bền vững tập đoàn TH trên sáu trụ cột bao gồm: dinh dưỡng sức khoẻ, môi trường, cộng đồng, giáo dục, phúc lợi con người, động vật. Trong đó, con người là trọng tâm nhưng vẫn đề cao bảo vệ môi trường, áp dụng khoa học công nghệ trong cùng khoa học quản trị đan xen. Nếu tách rời các yếu tố thì chi phí sản xuất cũng không được bảo đảm, khi các tiêu chí gắn liền với nhau giúp nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm tốt, sau đó mới là hài hòa lợi ích", bà Thái Hương nói.
Anh Minh